tintuc
X
Tìm vé
TẾT GIÁP THÌN 2024

TẾT GIÁP THÌN 2024

10 Oct 2023

Trong vòng luân chuyển của vũ trụ, không có sự hiện diện nào làm lòng người rạo rực hơn sự hiện diện của mùa xuân. Khi bóng dáng mùa xuân thấp thoáng bên thềm nhà, người người đều tất bật rộn ràng, ai nấy đều hối hả hoàn tất những gì còn đang dang dở. Nhịp sống những ngày giáp Tết bỗng trở nên gấp gáp và khẩn trương hơn bao giờ hết.

Xuôi theo dòng thời gian, Tết Nguyên Đán đã có ít nhiều những biến đổi cho phù hợp với trình độ phát triển xã hội, hoàn cảnh đất nước, lối sống con người, nhưng ý nghĩa cốt lõi vẫn được lưu giữ. Đó là mừng năm mới với những hy vọng tốt lành, may mắn sẽ đến với mọi nhà, mọi người. Cùng với đạo lý Uống nước nhớ nguồn thông qua tục thờ cúng thần linh, tổ tiên và những người đã khuất trong dịp Tết vẫn được gìn giữ và lưu truyền tới các thế hệ sau. Từng lời nói, hành vi trong những ngày đầu năm đều hướng tới sự thanh thoát, chỉnh chu và tốt đẹp. Sự khởi đầu vui tươi lành mạnh trong mấy ngày Tết tạo cảm hứng, niềm tin về một năm may mắn, hanh thông cho nhiều người.

Từ trước đến nay, Tết vẫn luôn là dịp đặc biệt để nghĩ về những điều đầy đủ, vẹn tròn. Đó có thể là ngày sum vầy với đầy đủ các thành viên trong gia đình, có thể là khi được thấy người thân mạnh khỏe, có thể là những giờ phút được nghỉ ngơi và hài lòng với thành quả của bản thân sau một năm nỗ lực.

Tết đoàn viên, gia đình đầm ấm

Và mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt ta dù có đi đâu cũng không bao giờ thiếu bánh chưng, bánh dày trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Không chỉ đơn thuần là ẩm thực, bánh chưng, bánh dày vừa phản ánh tư duy của người Việt cổ về vũ trụ Trời tròn Đất vuông, vừa thấp thoáng bóng dáng lịch sử lại còn in dấu đậm đà, trong đó cho thấy sự ứng xử rất mực hiếu thảo của các thế hệ sau với tiền bối. Hình ảnh bánh chưng, bánh dày đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Và bất kì ai đang xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

Bánh chưng, bánh dày vừa phản ánh tư duy của người Việt cổ về vũ trụ Trời tròn Đất vuông

Bên cạnh đó, trong tâm thức của mỗi người khi Tết sắp đến, chắc vẫn còn thấp thoáng đâu đó hình ảnh các cụ đồ mải mê bên những tờ giấy màu hoa hiên, màu đỏ, để rồi dưới những đôi bàn tay tài hoa ấy từng nét chữ thánh hiền lại hiện ra dưới nhiều dáng vẻ: khi là một đôi câu đối, khi là một chữ Phúc… chỉ thế thôi cũng tạo nên nét riêng rất “Tết”.

Cụ đồ mải mê bên tờ giấy với những nét chữ thánh hiền

Ngày Tết khơi gợi dậy những “niềm nhớ”, những kỷ niệm ăm ắp đã hằn sâu trong tiềm thức. Bắt đầu với vị Tết của niềm ngưỡng vọng và tri ân dành gửi đến người đã khuất, như nhắc nhở cháu con về cội nguồn tổ tiên. Tiếp theo là vị Tết của sự thiêng liêng và nghiêm cẩn trong thời khắc giao thừa “tống cựu nghênh tân”. Rồi đến vị Tết ấm áp và hạnh phúc trong mâm cơm tất niên chiều 30, cùng chén rượu nồng hương nếp và những dự định tốt đẹp cho năm mới đủ đầy, an lạc. Vị Tết của niềm vui và sum họp, khi chờ đón những đứa con xa quê trở về đoàn tụ. Vị Tết rạo rực và tươi mới hằn trên câu đối đỏ, mâm ngũ quả, cành đào phai... Vị Tết xốn xang và chộn rộn với lễ lạt nơi sân đình và câu hát huê tình đậm phong vị quê kiểng mộc mạc. Vị Tết của niềm hân hoan và háo hức trẻ nhỏ với quà bánh, áo mới và tiền mừng tuổi...

Hoa mai vàng khoe sắc thắm

Thông qua sự lột tả rực rỡ ấy, đã cho ta thấy hương vị Tết là một cái gì đó rất thật, là của chung tất cả mọi người nhưng mỗi người lại cảm nhận nó từ những trải nghiệm của riêng mình. Tết gần gũi, gắn bó và thiêng liêng. Hương vị ấy ở mỗi vùng đều mang một nét đặc trưng riêng biệt. Cái sự náo nức, và sôi động trong hiện tại cũng làm cho mỗi người chúng ta phải thích nghi dần theo nhịp sống mới, nhưng cái hồn cốt của một nét đẹp văn hóa vẫn còn đó. Bởi vì Tết là một phần của sức sống dân tộc, của con người. Tết như hòa lẫn vào trong tâm hồn, tạo nên vóc dáng của cá nhân và cả cộng đồng, không lẫn với ai và cũng không bao giờ mất.

Cùng hòa mình vào không khí rộn ràng trong ngày Tết ấy ta có thể thấy, các quý ông diện lễ phục, đi giày, những quý cô cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất, trang điểm đẹp hơn thường ngày đến thăm bạn bè, người thân, bà con, vãn cảnh chùa, danh thắng... với một thái độ trịnh trọng, lịch sự. Dù đi chơi ở những danh lam thắng cảnh hay đến những nơi công cộng, nhìn phục trang, nét mặt, nụ cười... ta đều nhận thấy điều “khác thường” này. Đó là một ứng xử thanh lịch và văn minh chứ không phải là khoe khoang về ăn mặc.

Những quý cô tràn đầy lộng lẫy trong ngày Tết

Ngay cả cách nói năng, giao tiếp, người ta cũng nhẹ nhàng hơn, tránh những điều có thể gây khó chịu cho người khác. Người ta còn kiêng cả những chuyện không hay, bực mình vào những ngày đầu năm. Đây là từ tâm thức, nó mang nét đẹp trong ước mong về một cuộc sống hòa thuận, an bình.

Những nét sinh hoạt như thế cứ bồi đắp dần thêm tình thân giữa những người láng giềng, sự gắn bó của những người cùng dòng họ và đời tiếp đời, làm cho mối quan hệ không bao giờ bị đứt đoạn cho dù những ồn ã, xô bồ, hệ lụy của đời sống thường này có nơi, có lúc khiến nó nhạt nhòa. Sợi dây gắn với tổ tiên, cộng đồng, truyền thống ngày một bền chặt hơn là vì thế.

Nhưng với quá trình giao lưu hội nhập quốc tế về văn hóa và mở cửa nền kinh tế ra thế giới hiện nay, cách ăn Tết của người Việt Nam phần nào đã thay đổi. Tết ngày nay đã không còn như ngày trước nữa, bởi có lẽ thời gian đã làm mai một, phai mờ đi nhiều giá trị đặc trưng của quá khứ. Ngày nay người dân ăn Tết đã có phần đổi khác hơn so với trước kia, dường như dân ta ăn Tết đã đơn giản đi nhiều, sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón Tết và trong việc mua sắm Tết.

Sự rộn rã của ngày Tết xưa

Cuộc sống ngày càng hiện đại phát triển, ngày Tết cũng vì thế mà có không ít sự thay đổi. Thế nhưng nếu chúng ta vẫn luôn ghi nhớ, hướng về cái Tết cổ truyền thì nó vẫn sẽ vẹn nguyên giá trị trong lòng mỗi người.

Gam màu tươi mới trong ngày Tết hiện đại

Ngày Tết đã gắn kết mọi người lại với nhau khiến cho tình cảm gia đình thêm bền chặt. Mỗi chúng ta dù hằng năm có làm ăn ở đâu xa, bận bịu trăm nghìn công việc, thì cũng nên tranh thủ dành khoảng thời gian ngày để Tết ở bên gia đình, bạn bè, người thân để cùng nhau trò chuyện, sẻ chia, có như vậy, cuộc sống không chỉ tươi đẹp hơn mà ngày Tết cũng vẹn tròn hơn.

Dù cho hiện tại có nhiều biến đổi tới đâu đi chăng nữa, Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp mang đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên Đán mãi là Tết cổ truyền, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, vẫn là dịp để gia đình sum vầy đoàn viên, là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn, dẹp bỏ những bộn bề, lo toang buồn phiền của năm cũ, dịp để mọi người thắt chặt tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình làng nghĩa xóm… khi dành thời gian đi thăm hỏi, ngồi lại bên nhau hàn huyên, ôn lại những gì đã qua và dự tính về những việc sẽ làm trong năm mới, chúc nhau những câu chúc tốt lành, động viên, chia sẻ và an ủi cho những điều không may đã qua, cùng nhau tin tưởng hướng về những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai, hướng đến một năm mới “An khang thịnh vượng – Vạn sự như ý”.

Tết ở mỗi vùng miền có những phong vị, màu sắc riêng, từ ẩm thực đến cúng bái, bày trí, trò chơi.

Mâm cỗ tất niên miền Bắc

Mâm cỗ tất niên miền Trung

Mâm cỗ tất niên miền Nam

Tin khuyến mãi được nhiều người xem nhất